TP Hồ Chí Minh nỗ lực bình ổn giá gạo – Bài 1: Giá bán lẻ ‘nhảy múa’ tại các chợ truyền thống
TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp thu mua, phân phối nhằm kiểm soát giá bán gạo, đảm bảo bình ổn thị trường trong mọi tình huống.
Giá gạo tại các chợ truyền thống đã được điều chỉnh tăng tại TP Hồ Chí Minh.
Bài 1: Giá bán lẻ ‘nhảy múa’ tại các chợ truyền thống
Theo các chuyên gia kinh tế, gần đây, giá gạo xuất khẩu lại trên đà tăng cao nên đã kéo giá bán lẻ mặt hàng này tại TP Hồ Chí Minh tăng từ 2.000 – 2.500 đồng/kg so với đầu tháng 10/2023. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá, kiểm soát giá ổn định…
Tìm cách giữ giá đầu ra
Theo chị Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng gạo Thanh Hà trên đường Đỗ Xuân Hợp, thành phố Thủ Đức, do giá gạo xuất khẩu tăng nên giá gạo tẻ thường đã tăng. Theo đó, mỗi yến gạo tẻ tăng khoảng 2.000 đồng; trong đó, gạo hương lài, thơm lài… tăng lên mức 19.000 – 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, các loại gạo nở cũng tăng từ 1.000 – 1.500 đồng/kg lên 17.000 – 17.500 đồng/kg.
“Cách đây khoảng 2 tháng, giá gạo nhảy múa liên tục khiến các cửa hàng gạo bán lẻ đều rất lo lắng. Đến tháng 9, giá gạo dần ổn định nhưng chưa được bao lâu thì giữa tháng 10, giá gạo lại tăng trở lại. Mặc dù giá gạo nhập vào tăng giá song khách hàng mua chủ yếu là khách quen nên chúng tôi vẫn bán giữ giá cho khách hàng”, chị Nguyễn Thị Hà cho biết thêm.
Tương tự, tại cửa hàng gạo Ngọc Thảo trong chợ Phước Bình, thành phố Thủ Đức, anh Lê Ngọc Thảo, chủ cửa hàng cho biết: “Khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, giá gạo từ các đại lý tăng nên cửa hàng nhập vào với số lượng ít hơn”.
Ghi nhận tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong 10 ngày qua, giá gạo nguyên liệu trong nước liên tục điều chỉnh với mức tăng 1.000 đồng/kg. Cụ thể, giá gạo tại Tiền Giang, Đồng Tháp gần đây đang đồng loạt tăng từ 500 – 1.000 đồng/kg và dao động từ 12.700 – 14.900 đồng/kg…
Lý giải giá gạo nhập khẩu tăng, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại Phước Thành IV cho biết, nguyên nhân một phần là do hiện nay, nguồn cung gạo sụt giảm do vụ Hè Thu đã thu hoạch xong, trong khi đó vụ Thu Đông chưa đền mùa thu hoạch, điều này đã kéo giá gạo trong nước tăng. Ngoài ra, thông tin Indonesia mua thêm gạo dự trữ và Việt Nam sẽ là nguồn cung gạo chính cho thị trường này khiến giá gạo trong nước cũng có xu hướng tăng lên.
“Giá gạo tăng gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người tiêu dùng bởi gạo là thực phẩm thiết yếu. Hầu hết, thực phẩm và các hàng hóa, dịch vụ khác đều tăng theo giá gạo, do đó sẽ kéo sức mua xuống”, ông Thành lo ngại.
Các siêu thị tích cực bình ổn giá
Khác với chợ truyền thống và đại lý bán lẻ, hiện nay tại nhiều siêu thị ở TP Hồ Chí Minh vẫn giữ giá bán gạo ổn định. Cụ thể, tại Bách hóa xanh, Winmart, Co.opmart… giá gạo các loại hầu như không tăng giá, nhiều mặt hàng gạo cao cấp còn được khuyến mãi và giảm giá.
Giá gạo tại các siêu thị, cửa hàng vẫn đang được bình ổn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại Bách Hóa Xanh, các loại gạo Lài thơm có giá từ 90.000 – 120.000 đồng/kg, giảm 24.000 đồng/kg; gạo thơm Vua gạo Làng ta 99.000 đồng/5kg, giảm 19.800 đồng; gạo thơm Vua gạo ST25 giá bán 166.000 đồng/7 kg, giảm 23.714 đồng; gạo thơm Vua gạo Phù Sa 2kg, giá bán 42.000 đồng, giảm 21.000 đồng; gạo thơm Vua gạo Phù Sa 5 kg, giá bán 110.000 đồng, giảm 22.000 đồng.
Tương tự, tại hệ thống siêu thị Co.opmart, gạo Thơm ST25 giá bán 190.000 đồng/5 kg; gạo thơm Làng ta 114.200 đồng/5 kg ; gạo trắng Xuân Hồng 5kg, giá bán 77.900 đồng; gạo thơm Lài Lotus 5kg, giá bán 121.500 đồng; gạo Japonica Neptune 5kg, giá bán 162.000 đồng; gạo thơm Jasmine Xuân Hồng 5kg, giá bán 83.500 đồng…
Trước đó, vào tháng 8/2023, khi giá gạo xuất khẩu lên cơn sốt, tại thị trường các tỉnh phía Nam giá gạo cũng biến động khi giá hàng loạt loại gạo tăng mạnh. Để ổn định thị trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai hàng loạt chương trình bình ổn, thúc đẩy bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần ngăn chặn làn sóng tăng giá.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, gạo là một trong những mặt hàng lương thực được bình ổn hàng năm. Từ đầu năm đến nay, gạo bình ổn luôn có giá bán thấp hơn thị trường 5 – 10%. Hiện nay, dù giá gạo nhập khẩu tăng nhưng giá gạo trong chương trình bình ổn vẫn được giữ giá để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, sau khi có thông tin giá gạo nhập khẩu liên tục tăng, để đảm bảo ổn định thị trường gạo trên địa bàn, Sở đã ban hành văn bản số 4641 yêu cầu các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp có liên quan thực hiện nghiêm chương trình Bình ổn thị trường mặt hàng gạo, đảm bảo đủ nguồn cung cho người tiêu dùng trong mọi tình huống.
Với doanh nghiệp bình ổn thị trường (các mặt hàng gạo) cần thực hiện nghiêm túc quy chế chương trình bình ổn trên địa bàn Thành phố. Song song đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ, đảm bảo nguồn hàng trong mọi tình huống; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố…
@Tiêu dùng TUD Việt Nam
@HTX Ea Rốk