Gỡ vướng trong quản lý và phát triển chợ tại Hà Nội
Ngày 4/8, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý Nhà nước về công thương cấp huyện 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, với sự tham gia của lãnh đạo 30 quận huyện trên địa bàn Hà Nội.
Nguồn cung rau xanh ở chợ đầu mối Nam Hà Nội, quận Hoàng Mai.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đang xây dựng sửa đổi Luật Thủ đô, xây dựng Quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2045 và điều chỉnh Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô (sửa đổi Quyết định 1259). Đây là cơ hội “vàng” cho các quận huyện xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới.
Theo đó, xây dựng quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ, logistics… các quận huyện sẽ tập trung vào thế mạnh của từng địa phương mà đưa ra quy hoạch. Nhưng hiện nay, các quận huyện mới chỉ dừng ở mức rà soát giữ nguyên, hoặc bớt đi hay thêm vào quy hoạch, mà chưa có định hướng cụ thể cho phát triển kinh tế của địa phương phù hợp với Luật Thủ đô. Khi Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ Tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sửa đổi được Quốc hội thông qua, các quận huyện sẽ không còn cơ hội để điều chỉnh nữa, nếu muốn điều chỉnh phải mất 5 – 10 năm nữa mới có thể điều chỉnh được. Như vậy, các quận huyện sẽ mất đi cơ hội phát triển của địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận việc quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội… Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, hiện cơ chế đầu tư chợ bằng ngân sách đã được đồng ý, nhưng trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn như giá đất, tiền thuê đất… Do vậy, hiện nay quận đang cân nhắc trong xây dựng mới chợ dân sinh. Đối với chợ truyền thống, trước năm 2010, quận đã chuyển đổi cho các hợp tác xã quản lý, nhưng hiện nay vẫn còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền thuê đất…
Để tháo gỡ khó khăn trên, quận đưa ra cơ chế chuyển đổi, quyết định đấu thầu… Tuy nhiên, quận cũng đang kiến nghị Sở Xây dựng hướng dẫn vì có nhiều mẫu hỗ sơ đấu thầu, có thể áp dụng hình thức đấu giá tài sản công, đấu thầu liên doanh liên kết nhà nước quản lý, đấu thầu phần quản lý khai thác thôi chứ không giao đất vì hiện không được cấp giấy sử dụng đất.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, quận mới chỉ có quy hoạch sử dụng đất, chưa có quy hoạch ngành nên việc phát triển, xây dựng hệ thống bán lẻ khó khăn. Do vậy, quận đề nghị Sở Công Thương Hà Nội và các ngành liên quan xây dựng quy hoạch ngành để địa phương có căn cứ pháp lý triển khai xây dựng chợ, trung tâm thương mại. Hiện quận có 31 chợ nhưng chưa có quy hoạch chợ nên rất có thể có những chợ sẽ bị giải thể vì vướng quy hoạch phát triển đô thị.
Để quản lý và phát triển chợ có hiệu quả, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính Phủ về phát triển và quản lý chợ, đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý tổ chức triển khai thực hiện.
Cùng với đó, sở cũng tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND thành phố về Phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan hoàn thiện phương án tính giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đảm bảo đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn để phê duyệt. Hoàn thành việc khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại thành phố Hà Nội làm căn cứ kêu gọi đầu tư xây dựng chợ; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về chợ trên địa bàn như chuyển đổi mô hình quản lý chợ; phân hạng chợ; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng tại chợ; phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chợ…
Song song với đó, sở cũng triển khai quyết liệt việc giải tỏa, chống tái chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, các điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn; giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chợ trên địa bàn; tiếp tục triển khai Đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025.
Ngoài ra, hoàn thành nghiệm thu nhiệm vụ khảo sát và nghiên cứu dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Hà Nội. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khả thi dự án, phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm thay thế Chợ đầu mối tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, làm cơ sở để UBND thành phố lựa chọn nhà đầu tư và hình thức đầu tư xây dựng chợ đầu mối theo quy định.