Chợ truyền thống có bị lãng quên?
Đảm nhận vai trò quan trọng trong hệ thống bán lẻ, không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ truyền thống còn là nơi giao lưu văn hóa trong cộng đồng dân cư. Thế nhưng, theo các chuyên gia, chợ truyền thống đang có phần “thiệt thòi” trong việc quản lý, nâng cấp chợ.
Còn nhiều hạn chế
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có hơn 9.000 chợ truyền thống, phân phối khoảng 80% lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Riêng tại Hà Nội, hiện nay có hơn 400 chợ, 73 siêu thị, khoảng 25 trung tâm thương mại, ngoài ra còn hàng nghìn cửa hàng bán lẻ và hàng trăm chợ cóc, chợ tạm phục vụ nhu cầu của nhân dân thành phố. Trong đó, siêu thị mới đảm nhiệm được khoảng 15% nhu cầu, còn lại chợ và cửa hàng bán lẻ đảm nhiệm tới 85%, riêng chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu.
Cần có nhiều biện pháp nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống trong thời gian tới
Từ đó, có thể thấy vai trò quan trọng của chợ truyền thống trong hệ thống bán lẻ hàng hóa. Theo các chuyên gia, chợ truyền thống vẫn đảm nhận tỷ trọng lớn trong doanh số bán lẻ, nhất là về thực phẩm tươi sống. Giá hàng hóa tại siêu thị thường đắt gấp 30% – 40% so với chợ truyền thống.
Vai trò của hệ thống chợ truyền thống không thể phủ nhận, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong việc phát triển. Thực tế là hiện nay, đa phần các chợ đều đang ở tình trạng xuống cấp, do đã được xây dựng lâu, không đảm bảo về cơ sở vật chất, dễ xảy ra các tình trạng cháy nổ. Ngoài ra, việc quản lý chất lượng thực phẩm tại các chợ cũng đang có nhiều hạn chế, gây nên tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số chợ.
Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ tại chợ truyền thống gây thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.
Không chỉ vậy, một hiện trạng đáng suy ngẫm ở các chợ truyền thống hiện nay được chuyên gia chỉ ra đó là sự chiếm lĩnh mạnh mẽ của hàng Trung Quốc. Thực tế ghi nhận tại các chợ, hàng Việt Nam được bày bán đa phần là nhóm hàng có giá trị gia tăng thấp, còn ở các mặt hàng như quần áo, mỹ phẩm, da giày… đa phần là hàng Trung Quốc.
Lý giải tình trạng này, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, do chúng ta đang đối xử với chợ không công bằng dẫn đến có tình trạng hàng Việt “chê” chợ. Do chợ không đảm bảo được về cơ sở hạ tầng nên nhiều doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng để đem hàng hóa vào chợ, trong khi đó hàng Trung Quốc có một số là hàng nhập lậu vào với giá rẻ nên được ưa chuộng hơn.
Cũng theo một số tiểu thương tại chợ, do hàng Trung Quốc có giá rẻ, lợi nhuận cao hơn, ngoài ra các doanh nghiệp Trung Quốc còn mạnh trong khâu tiếp thị, có nhiều ưu đãi nên được tiểu thương lựa chọn nhiều hơn.
Không thể thay thế chợ truyền thống
Hiện nay, cả nước có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại và các mô hình bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì vị thế của chợ truyền thống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chợ truyền thống sẽ không bao giờ mất đi nếu được quan tâm đúng mức.
“Chợ truyền thống đã và sẽ sống với chúng ta. Có những chợ đã trải qua hàng trăm năm như Bến Thành, Đông Ba, Đồng Xuân… Tại một số nước còn đang khôi phục lại chợ truyền thống, bởi lẽ chợ còn là nơi giao lưu văn hóa chứ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa”, ông Phú chia sẻ.
Tuy nhiên, để chợ truyền thống phát huy được đúng vai trò, trở thành một kênh quan trọng trong tiêu thụ hàng hóa Việt thì vẫn cần nhiều thay đổi.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, sắp tới đây cần có những biện pháp nâng cấp chợ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo kinh doanh văn minh và an toàn trong chợ. Từ đó góp phần giúp doanh nghiệp Việt không “bỏ ngỏ” thị trường ngay trên sân nhà.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc phát triển chợ đầu mối vô cùng quan trọng, đây sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất tại chỗ của địa phương phát triển, đồng thời kích thích nhu cầu về đầu tư, du lịch phát triển.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của ban quản lý chợ, có những biện pháp phát triển chợ thành môi trường kinh doanh văn minh thông qua việc niêm yết giá, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm… để nâng cao sức cạnh tranh của chợ với những kênh bán lẻ hiện đại.
Từ năm 2003 đến nay, riêng tại Hà Nội cũng đã đầu tư xây dựng, cải tạo 7 chợ kết hợp trung tâm thương mại, gồm chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng), chợ Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), Trung Hòa (quận Cầu Giấy), Thanh Trì (huyện Thanh Trì). Tuy nhiên, kết quả cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong việc nâng cấp, cải tạo chợ khiến bà con tiểu thương bỏ chợ, người tiêu dùng ít lui tới. Vì vậy cần có những biện pháp đầu tư hợp lý hơn để phát huy được đúng vai trò của hệ thống chợ truyền thống trong thời gian tới.
@Tiêu dùng TUD Việt Nam
@HTX Ea Rốk