Chợ truyền thống Hà Nội – Giữ nét đẹp văn hóa chợ truyền thống
Theo dòng chảy của thời gian, các chợ truyền thống Hà Nội chịu tác động mạnh mẽ từ yếu tố nhu cầu tiêu dùng, văn minh thương mại. Dù vậy, nó vẫn là bộ phận không thể thiếu và càng không thể xóa bỏ của hệ thống thương mại Thủ đô. Giữ gìn chợ truyền thống là giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội, giữ hồn cốt cho hệ thống thương mại. Hà Nội đang cố gắng xây dựng một hình ảnh chợ đẹp hơn trong con mắt mọi người.
Nhiều chợ truyền thống đang được xây dựng chợ văn minh thương mại
Xây dựng chợ văn minh
Là một không gian công cộng, không gian văn hóa và là một góc thu nhỏ của xã hội, việc xây dựng chợ văn minh đang được các cấp, các ngành thành phố triển khai nhằm tạo hình ảnh đẹp cho chợ.
Nhiều năm qua, ngành Công Thương Hà Nội triển khai xây dựng chợ văn minh thương mại đến tất cả chợ trên địa bàn. Việc xây dựng đã từng bước làm chuyển biến thói quen kinh doanh, giữ gìn môi trường kinh doanh trong chợ. Ngành Văn hóa Hà Nội cũng triển khai Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có khuyến cáo dành cho khu vực trung tâm thương mại, chợ: Không nên mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng phi pháp; không nói sai, cân đong gian dối; không gây mất an ninh trật tự…
Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội triển khai xây dựng mô hình “Chợ văn minh” gắn với việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tại chợ Thái Hà, một trong những khu chợ truyền thống thuộc quận Đống Đa, từ khi triển khai mô hình này, không còn nhìn thấy tình trạng bừa bộn, bày bán hàng ra lối đi chung, hay tình trạng bán hàng rong bên ngoài chợ như trước. Không gian chợ thoáng đãng, rác thải được dọn gọn gàng, sạch sẽ. Thực hiện mô hình “Chợ văn minh”, các hộ kinh doanh, tiểu thương tại chợ Thái Hà cam kết thực hiện tốt Quy tắc ứng xử tại chợ. Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố, các hộ kinh doanh, bà con tiểu thương góp phần từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, gìn giữ và phát triển truyền thống tốt đẹp của Thủ đô.
Tại quận Hoàn Kiếm, nơi vốn được coi là vùng lõi văn hóa của Hà Nội, tập trung nhiều dân cư và khách du lịch, đang triển khai đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” nhằm phát huy truyền thống, văn hóa ứng xử của người dân phố cổ, trong đó có triển khai trong các chợ truyền thống trên địa bàn. Trong 5 tiêu chí đề án đưa ra, quận Hoàn Kiếm tập trung vào 2 tiêu chí cốt yếu: Giao tiếp, ứng xử có văn hóa và tiêu chí có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Những người kinh doanh trong các chợ Đồng Xuân, Cầu Đông, Hàng Bè, chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân đều ý thức chấp hành, ứng xử văn minh hơn và hầu như không còn tình trạng cãi vã, xô xát, mất an ninh trật tự xảy ra.
Bà Lê Thị Kim Dung, tiểu thương kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ tại chợ Đồng Xuân chia sẻ, văn hóa ứng xử của bà con trong chợ những năm gần đây tốt hơn rất nhiều, không còn tình trạng chèo kéo, nói giá quá cao và không còn chuyện bất hòa giữa người bán với khách hàng. Bà cho rằng, nếu tạo sự hài lòng cho khách thì người ta mới mua, mới quay trở lại, bằng không sẽ mất khách và chính tiểu thương là người chịu thiệt. Bà và các tiểu thương ở đây đều ý thức câu “khách hàng là thượng đế” nên cố gắng không thể làm mất lòng khách.
Điểm đến du lịch hấp dẫn
Trong hành trình khám phá điểm đến, khách du lịch thường muốn trải nghiệm văn hóa, sinh hoạt của người dân sở tại và chợ chính là điểm đến hấp dẫn, chứa đựng các yếu tố này. Ngoài khách du lịch nội địa có sở thích đi chợ thì đối với khách nước ngoài được khám phá văn hóa chợ càng trở nên hấp dẫn hơn.
Chính vì vậy, chợ Đồng Xuân, một chợ lâu đời bậc nhất Hà Nội với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử luôn là điểm đến thu hút khách du lịch. Bất cứ thời điểm nào trong ngày, bước chân vào chợ, người ta thường bắt gặp từng đoàn khách nước ngoài đủ các quốc tịch: Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… tới tham quan. Bà con tiểu thương cho biết, thời điểm này, chợ Đồng Xuân đang thu hút nhiều khách Ấn Độ, Hàn Quốc sang tham quan.
Theo ông Vũ Hà Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân, trước kia, mỗi năm chợ Đồng Xuân đón từ 200 – 300 nghìn khách quốc tế đến tham quan, mua sắm. Công ty còn bố trí 1 bàn hướng dẫn du lịch trong chợ nhằm hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch tìm hiểu thông tin, tham quan chợ. Nhưng do điều kiện sau dịch COVID-19, nhân sự thay đổi, khách chưa quay trở lại đông như trước nên công ty chưa bố trí kịp thời.
Mong muốn của Công ty Cổ phần Đồng Xuân là xây dựng chợ Đồng Xuân thành chợ du lịch nhưng hiện còn nhiều khó khăn do đây là chợ đầu mối bán buôn. Mới đây, Công ty triển khai xây dựng các ngành hàng kiểu mẫu tại tầng 1 để đáp ứng yêu cầu văn minh thương mại và phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan của khách du lịch. Nhiều quầy hàng đã được chuyển đổi sang bán các mặt hàng phục vụ khách du lịch, như: hàng lưu niệm, mũ nón lá, tạp phẩm, mỹ phẩm…
Bà Lê Thị Kim Yến, kinh doanh ngành hàng hoa quả khô chia sẻ: hoa quả khô là đặc sản của Việt Nam nên khách du lịch đến chợ rất thích mua. Bên cạnh việc bán hàng đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bà còn học thêm tiếng Anh để giao tiếp với khách, giới thiệu tới khách về các mặt hàng.
Sắc màu tươi thắm tại chợ hoa Quảng An
Chợ hoa Quảng An vốn nổi tiếng với khách du lịch trong và ngoài nước, không chỉ là nơi cung cấp hoa cho Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác mà có đặc trưng riêng là chỉ họp về đêm. Ban ngày chợ vẫn có người hoạt động nhưng rất ít và chỉ phục vụ bán lẻ là chủ yếu. Chợ bán buôn hoa ở chính khu vực trồng hoa của Hà Nội nên càng thêm hấp dẫn. Chính bởi sự thú vị đó nên chợ thu hút khá đông khách tham quan, trải nghiệm về đêm. Họ đến để xem hoạt động chợ hoa đêm, tìm mua cho mình những bó hoa thật đẹp, giá rẻ và ghi lại những bức hình đáng nhớ.
Ông Hoa Xuân Thuận, Phó Ban Quản lý chợ quận Tây Hồ cho biết, yếu tố hấp dẫn khách đến với chợ hoa Quảng An chính là sắc màu của hoa. Chợ thu hút rất đông bạn trẻ, thậm chí cả các bà, các chị mặc trang phục đẹp để chụp ảnh. Ban đêm, trong dòng người tham quan cũng có không ít khách nước ngoài đến thăm chợ.
Để tạo điểm đến hấp dẫn bên cạnh hoạt động kinh doanh, ông Hoa Xuân Thuận cho biết, quận Tây Hồ đang xây dựng chủ trương đầu tư nâng cấp cải tạo chợ hoa, kết nối với chợ đồ cũ Quảng An để tạo sự văn minh, sạch đẹp, thu hút khách đến đông hơn. Trong thời gian chờ dự án triển khai, Ban Quản lý chợ cũng sắp xếp các hộ kinh doanh gọn gàng, không để tình trạng mái che nhếch nhách, tu sửa đường đi lối lại và vận động bà con ứng xử văn minh, thân thiện với khách hàng. Mọi người cũng kỳ vọng, sau khi thành phố Hà Nội hoàn thành việc hạ cốt đê Nghi Tàm – Âu Cơ, mở rộng đường giao thông thì việc đón khách tham quan sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Như vậy, nếu giữ được yếu tố văn hóa truyền thống của chợ Hà Nội, thành phố còn có thể khai thác phát triển du lịch từ loại hình này. Bởi thực tế, văn hóa là yếu tố gốc, ở đâu giữ được bản sắc văn hóa, ở đó có sức hấp dẫn. Trong kế hoạch phát triển du lịch của thành phố, du lịch văn hóa được coi là lợi thế và với những chợ truyền thống mang đặc trưng văn hóa riêng, sẽ trở thành nguồn tài nguyên cho du lịch Hà Nội. Bởi vậy, khi phát triển hệ thống thương mại, Hà Nội cần hài hòa giữa các yếu tố văn hóa của chợ truyền thống với sự văn minh của hệ thống thương mại hiện đại.
@Tiêu dùng TUD Việt Nam
@HTX Ea Rốk
@Nguồn TTXVN