Khởi sắc địa bàn trung tâm cụm xã Ea Rốk vùng biên Ea Súp, Đắk Lắk.
Ngôi chợ trung tâm cụm xã Ea Rốk khang trang, hiện đại ở vùng sâu, vùng biên Ea Súp.
Là địa bàn trung tâm của cụm các xã vùng biên huyện Ea Súp (Đắk Lắk), xã Ea Rốk có vai trò “bàn đạp” trong phát triển kinh tế-xã hội của khu vực, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới quốc gia.
Những ngày giáp Tết, khu vực trung tâm xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) tấp nập đông đúc lạ thường. Phần vì người dân đi sắm Tết, phần vì khu chợ xã có công trình chợ mới đang khẩn trương hoàn tất những phần việc cuối cùng.
Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hợp tác xã Đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác chợ Ea Rốk cho biết: “Chợ mới sắp hoàn thành thay thế cho chợ cũ đã xuống cấp và nhiều bất tiện trong bảo đảm vệ sinh thực phẩm cũng như phòng cháy chữa cháy. Chợ có diện tích gần 7.500 m2, được thiết kế gồm 45 kiot hai tầng; 36 kiot một tầng; 102 điểm kinh doanh các mặt hàng tươi sống, các mặt hàng thiết yếu hàng ngày; ngoài ra còn có bãi để xe, cây xanh, nhà vệ sinh, ban quản lý, khu kinh doanh dịch vụ không thường xuyên và các công trình phụ. Đặc biệt, chợ có hệ thống đường giao thông rộng 15 m bao quanh đảm bảo mỹ quan và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Gần 300 hộ tiểu thương tại chợ tạm rất háo hức mong chợ mới Ea Rốk hoàn thành để có thể vào buôn bán ở những kiot khang trang, hiện đại. Chợ mới đi vào hoạt động sẽ là trung tâm giao thương lớn thứ hai sau chợ thị trấn huyện Ea Súp, phục vụ cụm các xã Ea Rốk, Cư Kbang, Ea Lê, Ia Jlơi và 2 xã biên giới giáp Campuchia là Ia Lốp, Ya Tờ Mốt… Vì vậy năm nay bà con tiểu thương cũng chuẩn bị nguồn hàng lớn hơn mọi năm để phục vụ cho người dân các xã”.
Quả là một sự đổi thay “thần kỳ”! Cách đây vài năm, Ea Rốk còn heo hút lắm. Ea Rốk là xã vùng sâu thuộc huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm huyện 18 km, cách TP Buôn Ma Thuột gần 100 km. Nhớ những lần đi công tác vùng biên giới Ea Súp, chúng tôi phải vất vả vượt qua những chặng đường gập ghềnh. Tỉnh lộ 1 đi qua xã Ea Rốk đầy những hố sâu, mùa mưa giống như những “ao nước di động”. Người dân nơi đây than thở, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, người dân sống chủ yếu nhờ nông nghiệp, nhưng nông sản bà con sản xuất ra không đưa đi tiêu thụ được nên bị tư thương đến tận nơi ép giá, tiền bán hàng thu được không đủ chi phí vật tư phân bón, nhân công… Xã có hơn 2.400 hộ (10.000 khẩu), trong đó 48% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gồm dân tộc tại chỗ như Gia rai, Banar, Êđê và các dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào những năm gần đây… Có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới gần 60%. Nay, một khu chợ khang trang, hiện đại mọc lên, điều đó chứng tỏ vùng đất này đang “ăn nên làm ra”.
“Trái ngọt “ từ phong trào xây dựng Nông thôn mới
Theo ông Đinh Xuân Đồng, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk, sự thay da đổi thịt của Ea Rốk trước hết là nhờ “nông thôn mới”. Mặc dù xuất phát điểm thấp, nhưng cán bộ, người dân địa phương đồng lòng quyết tâm đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Riêng về giao thông nông thôn, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, sự vận động tích cực của chính quyền, từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau (như vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo Tây Nguyên) để nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa, nhựa hoá được gần 158 km đường giao thông (trong đó hơn 100 km đường giao thông nông thôn, còn lại là giao thông nội đồng). Đặc biệt, mặc dù đời sống người dân trong xã còn nhiều khó khăn nhưng khi được kêu gọi góp sức, góp công, tham gia làm đường, người dân trong xã rất nhiệt tình ủng hộ. Hàng trăm hộ dân ở các thôn, buôn đã hiến hơn 10.000 m2 đất để cùng Nhà nước làm đường, cũng như đóng góp hàng nghìn ngày công lao động tham gia san lấp mặt bằng giúp đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Nhờ những tuyến đường giao thông được cứng hoá, người dân nơi đây dễ dàng đi lại, giao thương, kinh tế đã bắt đầu khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm hàng năm giảm bình quân 5%.
Bên cạnh đó, địa phương xác định tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng nên đã mạnh dạn, tích cực vận động, đề xuất cấp trên đầu tư 1 lò đốt rác để xử lý rác thải sinh hoạt. Bình quân mỗi ngày lò xử lý từ 1,5-2 tấn rác thải, cơ bản xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn, đặc biệt là khu vực chợ trung tâm xã. Đây là mô hình xử lý rác thải tiên tiến đầu tiên và duy nhất trên cả địa bàn huyện Ea Súp.
Về tiêu chí chợ nông thôn, địa phương nhận thấy lợi ích “kép” của việc xây dựng chợ đối với phát triển thương mại-dịch vụ và phục vụ đời sống của người dân nên đã nắm bắt cơ hội, kêu gọi đầu tư thành công chợ Ea Rốk mới thuộc mô hình Chợ thí điểm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, với mức vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng từ HTX Đầu tư, Xây dựng, Quản lý và Khai thác chợ Ea Rốk. Chợ Ea Rốk hoàn thành đi vào sử dụng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá tại địa phương, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân, nhất là địa bàn xã vùng biên khó khăn như Ea Rốk. Hơn nữa, có được khu chợ khang trang, hiện đại sẽ thu hút tiểu thương ở các xã về đây kinh doanh, xã lại có thêm nguồn thu.
Cũng theo ông Đinh Xuân Đồng, Ea Rốk là địa bàn trung tâm của cụm các xã vùng biên huyện Ea Súp, có vai trò “bàn đạp” trong phát triển kinh tế-xã hội của khu vực, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới quốc gia. Chính vì vậy Nhà nước đã đầu tư xây dựng tại đây nhiều công trình có vốn đầu tư lớn như: Cầu Trắng, cầu Cây Sung và đoạn tuyến kết nối giữa 2 cầu trên Tỉnh lộ 1 đi qua xã; và tuyến đường từ trung tâm xã Ia Jlơi đến Thôn thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp, có điểm khởi đầu là các thôn 9,10,11 của xã Ea Rốk. Tổng vốn đầu tư các công trình trên gần 100 tỷ đồng. Trước đó, Nhà nước cũng đã đầu tư cho xã Ea Rốk 1 công trình nước sạch nông thôn 40 tỷ đồng. Sự quan tâm của Nhà nước là nguồn động viên khích lệ người dân hăng hái tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới…
Ông Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đầu tư xây dựng, quản lý và Khai thác chợ Ea Rốk:
“Chúng tôi mạnh dạn tìm kiếm cơ hội đầu tư ở xã Ea Rốk vì nhận thấy đây là trung tâm của nhiều xã, kết cấu cơ sở hạ tầng đang được hoàn thiện. Quan trọng nhất, đó là chúng tôi cảm nhận được phong cách làm việc khoa học và tầm nhìn xa của đội ngũ lãnh đạo địa phương. Đó là chìa khoá để Ea Rốk phát triển, cũng đồng nghĩa là tiềm năng lớn dành cho chúng tôi trong quá trình kinh doanh sau này. Vì vây, chúng tôi muốn đóng góp một phần công sức vào sự phát triển của vùng đất có vị trí quan trọng ở một huyện biên giới như Ea Súp”
@Tiêu dùng TUD Việt Nam
@HTX Ea Rốk
@Nguồn Báo Xuân Quý Mão 2023